Các lỗi thiết kế khiến căn hộ trông nhỏ đi và giải pháp kiến trúc khắc phục

Hiện nay những căn hộ chung cư mini có không gian nhỏ đã ngày càng phổ biến do mật độ dân cư tại thành thị đã tăng cao. Ngoài việc giúp con người có không gian sống ấm cúng, an toàn và tiện nghi thì nó cũng có một vài khó khăn cho những gia đình nhiều đồ đạc hay đông thành viên. Bởi vì thông thường trung bình mỗi căn hộ sẽ có diện tích phù hợp cho 2-4 người sinh sống nhưng số lượng đồ đạc và cách sắp xếp của mỗi gia đình khác nhau. Điều này dẫn đến các lỗi trong sắp xếp đồ nội thất vô tình khiến cho phòng ốc nhỏ càng thêm chật hẹp.

Hôm nay chúng ta sẽ cùng với co-founder của NN Designs là Trương Phương Trinh tìm hiểu một số lỗi thiết kế trong căn hộ chung cư không gian nhỏ và những giải pháp kiến trúc khắc phục chúng để giúp môi trường sống của bạn cải thiện diện tích.

Ý tưởng thiết kế không gian nhà ở nhỏ thiếu đi tính đồng nhất

Trong một không gian có nhiều màu sắc, họa tiết rườm rà, mắt chúng ta dễ cảm thấy mệt mỏi. Bởi vì phải quan sát các phong cách khác nhau. Để khắc phục, bạn nên có một ý tưởng chủ đạo trước khi tự tay trang trí căn hộ của mình.

2 câu hỏi gia chủ nên tự đặt ra:

  • Phong cách tôi mong muốn là gì?
  • Màu sắc chính của căn nhà là gì?

Thông thường, không gian nhỏ phù hợp với phong cách Minimalism hoặc Scandinavian. Những màu trung tính mang lại cảm giác rộng, thoáng. Nhưng chúng lại tạo sự nhàm chán và thiếu chiều sâu. Đây là lúc bạn có thể dùng một vài phụ kiện có màu sắc mạnh nhấn nhá. Ví dụ như gối trang trí hoặc tranh ảnh.

Ý tưởng thiết kế không gian nhà ở nhỏ thiếu đi tính đồng nhất
Tạo tính đồng nhất cho thiết kế để không gian có cảm giác rộng rãi hơn

Không gian phòng ốc không được phân chia phù hợp

Không ít người nghĩ rằng việc dùng tường giả, lam gỗ để ngăn cách khu vực bếp ăn, phòng khách,… Với muc đích sẽ giúp nhà rộng hơn. Thực tế, điều này có thể phản tác dụng. Một ngôi nhà có quá nhiều ranh giới rõ ràng thường tạo cảm giác chật chội. Thay vào đó, bạn nên tạo không gian mở, kết hợp nhiều mục đích, tính năng. Nếu bạn vẫn muốn có sự riêng tư, thì cây xanh là một lựa chọn thích hợp để làm vách ảo. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng giải pháp kiến trúc khác như là lựa chọn sơn tường bằng các màu nhạt để phân biệt.

Để đồ nội thất quá sát các phần tường nhằm tăng không gian

Việc đặt ghế sofa, kệ tủ, bàn ghế,… sát góc tường có thể cho bạn thêm một ít không gian sinh hoạt. Tuy nhiên, về thẩm mỹ, chúng làm căn phòng trông “gượng gạo” và thiếu tự nhiên. Hơn nữa, khoảng trống thực tế không nhiều để bạn phải đánh đổi. Hãy ưu tiên kéo nội thất ra xa một chút so với tường. Vì đây là cách tạo chiều sâu hiệu quả. Đồng thời, bạn cần hạn chế mua nội thất có kích thước quá lớn hoặc quá nhỏ so với không gian.

Không tận dụng được phần tường nhà

Trang trí tường một cách khéo léo là một trong những giải pháp kiến trúc góp phần làm không gian rộng hơn. Với nhà nhỏ, thay vì để tường trống, bạn có thể thử trang trí bằng cách:

  • Treo 1-2 bức tranh canvas tạo hiệu ứng chiều sâu cho thị giác, nhưng không nên lạm dụng
  • Đánh đèn ray spotlight, đèn led hoặc đèn điểm để tạo điểm nhấn cho tường
  • Sử dụng các thanh ngang trên tường, vừa trang trí, vừa làm kệ sách
Không tận dụng được phần tường nhà
Làm giá đựng sách trang trí bằng việc tận dụng phần tường trống trong căn hộ

Dùng những loại tủ bếp kín

Để tránh cảm giác “tức” mắt, người ở nhà nhỏ nên hạn chế dùng tủ bếp kín cả trên lẫn dưới. Tất nhiên, tủ kín giúp bạn chứa nhiều đồ đạc. Nhưng đây là nguyên nhân khiến căn bếp trông hẹp lại đáng kể. Kết hợp tủ kín bên dưới, kệ hở bên trên là cách sắp xếp gọn gàng và hiện đại hơn. Bên cạnh đó, người sử dụng bếp còn có thể dễ dàng lấy gia vị, nguyên liệu cần thiết mà không mất thời gian tìm.

Các điều cần lưu ý khác để cải thiện diện tích không gian nhỏ

Phương Trinh cũng chia sẻ một số điều bạn nên làm để tối ưu không gian sống. Bao gồm:

  • Sử dụng những đồ nội thất có kích thước vừa vặn với không gian cùng thiết kế đơn giản. Khi kích thước đồ nội thất quá lớn hay kiểu dáng quá rườm rà mà đặt trong một diện tích không đủ rộng sẽ tạo cảm giác ngột ngạt và chật chội.
  • Sử dụng gương lớn, nhưng không đặt đối diện giường ngủ
  • Tận dụng kho lưu trữ ở góc tường và các loại tủ đa năng để xếp gọn đồ đạc. Hạn chế đặt đồ đạc lung tung. Ngoài việc sử dụng những đồ gỗ nội thất thiết kế tối giản, gọn nhẹ, việc kết hợp nhiều chức năng trong 1 đồ cũng được áp dụng khá nhiều đối với những không gian nhỏ
  • Đặt cây xanh ở những góc nhà, đặc biệt ở cuối hành lang để tránh góc chết
  • Ưu tiên ánh sáng tự nhiên. Nếu nhà nhỏ thiếu sáng, cần thêm đèn thả, đèn led phù hợp
  • Trong một không gian nhỏ, nên chọn tranh có họa tiết nhẹ nhàng và màu sắc tươi sáng để trang trí. Bởi những họa tiết đậm hay màu tối có thể khiến cho không gian như chật hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *