Đối với công trình xây dựng, bộ phận chịu lực chính cho toàn bộ ngôi nhà là khung bê tông cốt thép. Tuy nhiên chủ thầu cũng không nên xem nhẹ vai trò của những bức tường khi xây dựng. Tường nhà cũng ảnh hưởng lớn đến sự vững chắc của những ngôi nhà cũng như quá trình chống thấm về sau. Những bức tường còn đóng vai trò bao che cho tổng thể căn nhà, do đó nếu thi công đúng cách bức tường sẽ thêm phần vững chãi và hạn chế việc thấm, nứt tường,….
Vậy nên chọn xây tường 10 hay tường 20 là điều trăn trở với các chủ đầu tư khi mà mỗi phương thức sẽ có những ưu điểm riêng, đồng thời chi phí cũng khác nhau. Dưới đây là một vài thông số chi tiết để chủ đầu tư có thể tham khảo và chọn loại tường nào cho khu vực nào trong công tác xây dựng đạt chất lượng tối ưu.
Mục Lục
Yêu cầu kỹ thuật khi xây tường nhà
– Từng hàng gạch xây phải thẳng, lớp vữa xây phải đầy và đều dày từ 8 – 12 mm. Vì tường gạch chỉ chịu lực nén nên mạch vữa mỏng quá hay dày quá đều ảnh hưởng đến sự vững chắc của tường.
– Tuyệt đối không được xây trùng viên gạch lớp trên. Lớp trên và lớp dưới phải lệch nhau ít nhất 1/4 chiều dài viên gạch cả về phương ngang cũng như phương dọc.
– Các mạch vữa xây theo phương ngang và phương dọc trong một lớp xây phải vuông góc với nhau. Không được phép xây các viên gạch vỡ hình thang, hình tam giác ở góc phố xây.
Trình tự yêu cầu kỹ thuật xây tường nhà
Trước khi xây tường cần tưới nước gạch và phần bê tông chuẩn bị xây. Nếu thấy nó khô để đảm bảo gạch, bê tông không hút nước của vữa tạo liên kết tốt khi xây. Trát một lớp hồ dầu đặc phần xây tiếp giáp giữa gạch với phần bê tông dầm, cột. Mỗi lần trát đủ xây 3 lớp gạch tránh cho hồ dầu bị khô không còn tác dụng liên kết. Xây từ dưới lên trên, xây tường xung quanh trước rồi mới xây tường ngăn sau. Lớp sắt râu liên kết gạch với cột khoảng 4 lớp gạch một cộng. Nếu thiếu sẽ dẫn đến tình trạng nứt vách tường sau này. Để đảm bảo cho tường thẳng và phẳng thì 3 lớp gạch giăng dây nhợ ngang một lần và giăng luôn nhợ dọc từ dưới lên trên.
Thông số kỹ thuật của tường 10
Tường 10cm(tường 100mm) hay còn gọi là tường con kiến. Tường 10 xây bằng một lớp gạch ống 4 lỗ có độ dày 8cm. Tô trát tường mỗi bên 1.5cm nên có độ dày 11cm. Được thi công có tác dụng như một tấm phiên, đóng vai trò bao che, hình thành khung và tường. Góp phần ngăn chia không gian bên trong nhà giúp tiết kiệm diện tích cho công trình. Tường bao không có tác dụng chịu lực mà chủ yếu là cột, dầm.
Ưu điểm
Tường 10 có ưu điểm là thi công nhanh, khả năng thoát nhiệt nhanh. Không tốn kém nhiều vật tư xây dựng và tiết kiệm diện tích cho công trình. Trong gói thi công tiêu chuẩn thông thường cho nhà phố tất cả tường bao đều xây tường 10 một lớp. Tuy nhiên, tường 10 cũng có nhiều nhược điểm mà các gia chủ nên cân nhắc.
Nhược điểm
Thứ nhất là tường 10 có khả năng chống nóng, chống ồn kém. Có thể bị thấm nước chân tường và rạn nứt, xuống cấp nhanh, không đảm bảo về mặt an ninh. Tường 10 cũng chỉ phù hợp cho những nhà xây ít tầng, khối lượng nhẹ. Tường bao được các nhà khác che chắn xung quanh. Bên cạnh đó, đối với các trường hợp nhà xây tường 10, nếu một trong các ngôi nhà xung quanh mà đào móng sẽ vô cùng nguy hiểm đến sự an toàn của ngôi nhà. Nhẹ thì có thể bị lún, nặng thì nhà bị sập. Xây nhà tường 10 nhưng các cột phải làm bằng bê tông cốt thép nhằm thu tải trọng của ngôi nhà xuống các cột.
Cách khắc phục những sự cố liên quan đến xây tường 10, chủ đầu tư nên đổ bê tông sàn trệt trước khi thi công. Và gia cố chân tường bằng gạch đinh có tác dụng chống thấm cực kì hiệu quả.
Thông số kỹ thật của tường 20
Tường 20 hay còn gọi là tường có độ dày 220mm, thường bị hiểu nhầm là tường chịu lực. Trên thực tế, theo kỹ thuật xây dựng thì tường có độ dày 330mm mới có khả năng chịu lực.
Ưu điểm
Tường 20 có khả năng chống nóng, chống ồn, chống ẩm tốt hơn tường 10. Ngoài ra đảm bảo an ninh hơn. Các không gian ở tầng 1 sẽ gần đường phố, thường ồn ào và ẩm ướt hơn nên xây tường 20 sẽ phù hợp hơn. Ở các khu vực không có nhà liền kề như ở vùng quê, khu đất chưa quy hoạch hay các căn biệt thự, tường bao quanh nên là tường 220mm. Mục đích để cách nhiệt, chống ẩm và chống ồn tốt hơn.
Nhược điểm
Ngoài những ưu điểm kể trên, tường 20 cũng có nhược điểm là thời gian thi công lâu. Tốn kém cả nhân công và nguyên vật liệu hơn. Thế nhưng, nhược điểm lớn nhất của tường 20 chính là mất diện tích. Có 1 trường hợp mất diện tích tường 20 mà các gia chủ đặc biệt nên cân nhắc. Thứ nhất là khi xây tường bao quanh 20 là diện tích sử dụng bị thu hẹp lại so với tường 10. Đối với những nhà phố liền kề thường diện tích bề ngang nhỏ, nên tường ngăn với nhà kế bên chỉ nên xây tường 10. Vì nhà kế cũng xây tường 10, vô hình chung sẽ tạo thành vách ngăn là tường 20. Nếu mình xây tường 20 sẽ mất một số diện tích.
Như đã nói ở trên, tường 20 cao hơn gói tiêu chuẩn. Chủ đầu tư muốn xây tường 20 sẽ có phát sinh thêm chi phí vật tư(gạch, xi, cát..) và nhân công xây tường. Chi phí được tính theo m2 trong báo giá dự toán chi tiết theo thiết kế gồm vật tư và nhân công.
Giải pháp chọn xây tường 10 hay 20 cho nhà phố
Từ những thông tin về tường 10 và tường 20 như trên, nên quyết định xây tường kiểu nào cho nhà phố thì phù hợp? Xây tường 10 hay tường 20 còn phụ thuộc vào những yếu tố chủ quan và khách quan. Ví dụ như địa thế đất, tình hình xây dựng ở khu vực xung quanh, nhu cầu và kinh tế của chủ nhà… Nếu xây biệt thự, nhà không liền kề, sát vách thì nên xây tường 20. Để tối đa được khả năng chống nóng, chống ẩm và chống ồn. Còn nếu xây nhà phố liền kề cần xác định rõ là sẽ kết hợp cả hai loại tường. Tường bao quanh và tường liền với các nhà kế bên. Tường ngăn phòng nên xây tường 10. Còn tường hướng ra mặt đường nên xây tường 20.
Nếu không thể phân định nên xây tường 10 hay tường 20, các gia chủ nên tìm đến sự tư vấn chuyên môn từ các kiến trúc sư; hoặc các nhà thầu xây dựng lâu năm đã có kinh nghiệm dày dặn. Mỗi ngôi nhà có một đặc thù riêng theo nhu cầu sinh hoạt từng thành viên trong gia đình mà thiết kế để tối ưu nhất.